Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

LIỀU THUỐC GIÃN THUẾ


Năm 2013 được xác định là một năm nhiều khó khăn nên ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Trong những giải pháp này, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, giãn thuế trước mắt sẽ giúp ngay cho DN giải quyết được phần nào tình thế khó khăn về vốn.
Phần đầu của Nghị quyết 02 đề cập ngay đến việc giúp DN giải quyết hàng tồn kho và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đây cũng là điều mà các DN mong mỏi. Trong cả năm 2012, giới sản xuất kinh doanh đều vất vả xoay trở, tìm cách đẩy hàng tồn để duy trì hoạt động.
* “Mượn” vốn làm ăn
Ông Nguyễn Doãn Chính, Phó giám đốc Công ty Đức Lộc chuyên chế biến gỗ ở huyện Trảng Bom cho rằng, giãn thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong 6 tháng vào thời điểm này cũng như cho DN “mượn” vốn để duy trì sản xuất. “Thực chất số tiền không nhiều, nhưng với những DN nhỏ như chúng tôi cũng giúp bù vào vốn lưu động. Số tiền đó chủ yếu sử dụng cho việc trả lương hoặc thanh toán tiền điện, bảo hiểm cho công nhân. Nhiều khi DN chỉ  “kẹt” khoảng hơn 100 triệu đồng nhưng vay ngân hàng không được do tài sản đã thế chấp hết rồi mà thủ tục cũng rất mất thời gian” – ông Chính nói.
Sản xuất gỗ tại một doanh nghiệp ở phường Tân Biên (TP. Biên Hòa). Ảnh: V. Nam
Trung bình mỗi tháng, DN Đức Lộc phải nộp thuế GTGT khoảng 80 triệu đồng. Theo ông Chính, DN sử dụng nguồn nguyên liệu là gỗ từ rừng trồng, như: tràm, xà cừ… của nông dân nên khi mua không có hóa đơn GTGT. Song, sản phẩm phôi gỗ của DN khi bán ra cho các đơn vị sản xuất khác hầu hết phải xuất hóa đơn GTGT, không trừ được thuế GTGT đầu vào nên công ty hầu như phải nộp đủ 10% thuế  GTGT. Tương tự, Công ty Anh Thiên Kim (ở huyện Trảng Bom) chuyên sản xuất dăm gỗ dùng cho sản xuất ván ép, nguồn nguyên liệu đầu vào được DN mua gom từ gỗ vườn tạp không có hóa đơn, và khi dăm gỗ được bán ra đều phải xuất hóa đơn có thuế GTGT. Mỗi tháng, DN này phải nộp gần 100 triệu đồng tiền thuế GTGT, khoản tiền này được Nhà nước cho “mượn” cũng là điều đáng mừng, trong lúc nguồn vốn rẻ vẫn rất khó tìm.
Chị Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng chi nhánh Công ty luật Việt Á (TP.Biên Hòa) chuyên làm dịch vụ thành lập công ty, thành lập doanh nghiệp, và báo cáo thuế cho các DN cho rằng, gia hạn thuế GTGT có lợi nhiều cho những DN sử dụng số lao động đông và làm hàng gia công, như: may mặc, giày dép, chế biến gỗ. Với những DN phải mua nguyên liệu đầu vào theo thời vụ trữ lại để sản xuất cả năm hoặc DN bị đọng vốn do khách hàng chiếm dụng thì đây cũng là cơ hội để tiếp tục duy trì sản xuất.
* Mang tính động viên
Nếu như gia hạn nộp thuế GTGT sẽ hỗ trợ ngay cho DN một phần vốn thì gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong thời điểm này chỉ mang tính chất động viên. Cũng theo chị Mai, hiện tại rất ít DN sản xuất có lãi, và nếu có, số tiền lãi cũng không đáng kể so với bình thường, nên số tiền nộp thuế TNDN cũng không nhiều. Chính vì vậy, chính sách này mang tính động viên nhiều hơn. Chủ DN tư nhân may Thịnh Phát (TP.Biên Hòa), anh Nguyễn Hữu Thịnh, cũng thừa nhận, việc có lãi để đóng thuế TNDN hiện nay là “giấc mơ”. “Nhìn vào doanh thu thì vẫn thấy bằng những năm trước đó, nhưng thực tế là DN không hề có lãi do mọi chi phí tăng cao, trong khi giá sản phẩm bán ra thấp, hiện nay không bị ngưng hoạt động duy trì được sản xuất đã là tốt rồi” – anh Thịnh nói. 
Có lẽ, điều mà nhiều DN vừa và nhỏ trông đợi nhiều ở Nghị quyết 02 là sớm hạ mức thuế TNDN từ 25% xuống 20%. Được biết, Thủ tướng đã ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội xem xét quyết định giảm thuế TNDN xuống 20% bắt đầu từ ngày 1-7-2013 cho DN vừa và nhỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét